Lịch sử Khải Ca

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha là nhạc sĩ Quốc Dũng, mẹ là ca sĩ Bảo Yến, cậu là nhạc sĩ Kim Tuấn. Điều đó vừa là một lợi thế vừa là một áp lực lớn đối với Khải Ca, một nhạc sĩ kiêm ca sĩ còn khá trẻ với khả năng tự  hoà âm và trình bày ca khúc  mình sáng tác.
Một ngày cuối năm, Khải Ca đã chia sẻ với Giai điệu Xanh về những dự định của mình trong năm mới 2007.
Soạn: HA 1026391 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Khải Ca & Thanh Ngọc-Bìa CD Tình ca Quốc Dũng 2006-"Nụ hồng sau cơn mưa"

Có thể nói con đường đến với âm nhạc của Khải Ca khá suôn sẻ vì từ nhỏ, Khải Ca đã được cha mẹ dẫn dắt vào môi trường nghệ thuật. Bắt đầu làm quen với nhạc cổ điển từ bé nhưng khi lớn lên, sự cảm nhận âm nhạc của Khải Ca có chiều hướng thay đổi theo dòng nhạc hiện đại trẻ trung, không phải vì trào lưu mà đơn giản chỉ vì anh yêu thích.

Nếu ở “hổ phụ” Quốc Dũng, một nhạc sĩ thuộc hàng “gạo cội”của làng âm nhạc Viêt Nam có xu hướng nghiêng về phong cách nhạc trữ tình và lãng mạn thì trong những sáng tác đầu tay của “hổ tử” Khải Ca, có thể thấy rõ sự ảnh hưởng ấy không nhiều vì những nhạc phẩm của Khải Ca thường có tiết tấu rộn ràng, ca từ trẻ trung, tinh nghịch. Khải Ca thường viết về những cuộc tình hồn nhiên, lãng mạn của tuổi học trò. Hai bài hát do anh sáng tác và trình bày “ Nụ hồng trong cơn mưa” và “ Nụ hồng sau cơn mưa” được phát hành trong album “ Tình khúc Quốc Dũng 2006” có thể xem là những ví dụ minh họa.

Khải Ca cho biết anh không có thói quen tưởng tượng khi viết nhạc, đa phần là những trải nghiệm trong cuộc sống. Bài “Nụ hồng trong cơn mưa” ra đời khi anh bắt gặp cảm xúc rất lạ về người con gái mình thương mến. Đó là tình cảm mới chớm nở, sự bộc trực rụt rè và nhiều lo lắng xa xôi cho cuộc tình chóng tan vỡ thời áo trắng.  Một lần chở cô bạn đi chơi bị mắc mưa, cảm xúc chợt đến, Khải Ca mượn hình ảnh nụ trong cơn mưa để chia sẻ những cảm nhận riêng của mình. Câu hát cuối cùng là “ trọn đời ta luôn luôn yêu nhau và mãi bên nhau “, mong chờ hạnh phúc trọn vẹn nhưng cũng tự hỏi tại sao mình yêu người ta nhiều như thế  mà không được như mong muốn. Còn “ Nụ hồng sau cơn mưa” là ca khúc được viết từ sự đồng cảm với câu chuyện tình dễ thương của một người bạn. Ca khúc thể hiện mong muốn nụ hồng này sẽ nở thành hoa tình yêu.

Những cảm xúc chợt đến và anh đón lấy, từ đó giai điệu và ca từ tuôn ra thật chân thành và dung dị. Khi nhắc đến sự may mắn và áp lực khi là con của nhạc sĩ và ca sĩ nổi tiếng Bảo Yến, Khải Ca bộc bạch: “ Tôi cảm thấy có một áp lực, bởi lẽ khi ba mẹ mình là cái bóng quá lớn thì mình không thể lơ là trong sự nghiệp được, vì vậy  tôi phải luôn cố gắng...May mắn trên con đường đến với âm nhạc là yếu tố cần thiết, nhưng điều đó không thể thay thế cho nỗ lực rèn luyện để tạo cho mình một bản lĩnh, một phong cách riêng...”

Về phần hoà âm, Khải Ca cho biết anh chịu ảnh hưởng rất nhiều từ “ hổ phụ Quốc Dũng”, còn về kỹ thuật ca hát, anh học tập mẹ mình-ca sĩ Bảo Yến- từ cách luyến, cách ngân nga bài hát đến độ hoàn chỉnh. Nhưng hơn ai hết, Khải Ca hiểu rằng không thể đi theo con đường mà cha mẹ mình đã đi qua nên anh đã chủ động tiếp xúc với rất nhiều thể loại, mở rộng không gian âm nhạc của mình, chứ không gói gọn trong những cách biểu hiện âm nhạc của ba và mẹ .

Tuy còn trẻ trong tuổi đời lẫn tuổi nghề, nhưng không vì thế mà mà anh dễ dãi trong cách sáng tác và cảm thụ âm nhạc. Theo Khải Ca, "nhạc Việt hiện nay có những bài thực tế đến mức thực dụng, dĩ nhiên mỗi người có những cách nhìn và cách thể hiện riêng, nhưng về nội dung thì Khải Ca cảm thấy dị ứng những bài não tình luôn trách móc người con gái. Anh cho rằng con gái sinh ra có những thiệt thòi hơn, nên nếu có phụ tình mình thì cũng vì hạnh phúc của người ta thôi, mình mà còn trách người ta thì kì quá…"(cười).

Trong quá trình sáng tác ca khúc, Khải Ca đi từ dòng nhạc dân ca chuyển dần sang các thể loại khác, trong đó, Khải Ca còn nhắm đến cả Rock để giới thiệu mình với khán giả. Để tạo được “ấn tượng nhè nhẹ” trong lòng khán giả, Khải Ca quyết định chọn “gốc nhạc Việt” nhưng sẽ pha trộn một chút hiện đại của âm nhạc nước ngoài, một chút gia vị từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật...

Với Khải Ca, âm nhạc phụ thuộc vào nhiều đặc điểm vùng miền, quốc gia, Khải Ca nghe rất nhiều, không những tìm cái hay mà còn phải biết cái dở ở đâu mà tránh vấp phải, và hiểu được vì sao đất nước đó lại sản sinh ra loại nhạc đó. ... Khải Ca tâm sự: “qua những ca khúc mang chuyển những câu chuyện kể nhẹ nhàng và rất thực, Khải Ca chỉ mong sao khán giả chấp nhận nghe và đồng cảm với những nét nhạc của mình...”.

-Khải Ca nghĩ gì về dòng nhạc thị trường và dòng nhạc nghệ thuật kén người nghe “?

-Tôi không chạy theo thời thượng, tôi thích viết nhạc theo cảm xúc của con tim. Mỗi ca sĩ sớm hay muộn đều tìm được những khán giả của riêng mình. Trước đây, tôi  từng sửa một bài nhạc mang tính nghệ thuật cao sang xu hướng thị trường, nhưng làm xong thì cảm thấy không hay bằng nguyên bản, chính vì vậy mà tôi mới nhận ra rằng, không nên chạy theo xu hướng chung làm gì, tốt nhất là mình nên làm hết khả năng và làm theo những cảm nhận thực của chính mình.
 
Cũng bởi là con của những người nổi tiếng và không muốn luôn làm “cái bóng của bố mẹ” nên những khi đi hát, nếu người ta không hỏi thì Khải Ca cũng “giấu” luôn, bởi lẽ khi nói ra thì giống như là tự tạo áp lực cho mình, mình cứ âm thầm, mình “chưa chín” thì mình cứ luyện từ từ cho chắc, khi nào mình “đủ chín” rồi, những điều ấy công khai ra thì Khải Ca cũng không còn ngại đối phó với nó nữa.

- Khải Ca có thể cho biết chọn lựa của mình nếu phải chọn giữa việc đi chuyên sâu vào lĩnh vực sáng tác ca khúc và việc trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp?

-Nếu sáng tác thì sức Khải Ca sáng tác cao lắm cũng khoảng 100 bài, hoặc có thể ít hơn, nhưng biểu diễn thì có thể biểu diễn được nhiều hơn thế, nên Khải Ca nghĩ, có lẽ nghệ sĩ biểu diễn sẽ đóng góp được nhiều cho âm nhạc hơn. Tuy nhiên, trước mắt, tại sao mình không làm cả hai việc, khi đó đều là những việc mình ưa thích và hòan tòan có thể bổ sung cho nhau?

Còn quá sớm để định vị một cách rõ ràng và dứt khóat cái tên Khải Ca như một nhạc sĩ-ca sĩ , dẫu chỉ trong danh mục của “Làn sóng mới”. Tuy nhiên, với những dự định hồn nhiên của một chàng trai trẻ có nghề và thuộc lọai “con nhà nòi” theo hướng tự sáng tác, hoà âm và trình bày ca khúc của mình theo phong cách nhẹ nhàng và trẻ trung, có thể thấy trước là cái tên Khải Ca sẽ trở nên quen thuộc với khán giả trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, để có được những bước tiến xa và nhanh, vượt qua cái bóng của “ hổ phụ “ thì có lẽ Khải Ca cần có sự đầu tư nghiên cứu sâu hơn về nghệ thuật viết ca từ và cũng cần có định hướng cụ thể và rõ nét hơn trong sự nghiệp ca hát của mình. Tạo được “Một cái riêng” trong hàng vạn “cái chung” của vườn hoa âm nhạc Việt Nam quả không phải là điều dễ dàng phải không Khải Ca?!.


Theo: giaidieuxanh.com.vn