Lịch sử Dương Cầm
Dương Cầm mang một vẻ lãng tử hiền lành rất dễ lấy cảm tình của người khác. Cậu khẳng định dù mình có viết bài hát bằng thể loại hay đề tài vui thế nào, nó cũng không bao giờ vui hoàn toàn: "Nó có con người của Dương Cầm trong ấy".
Dương Cầm có một vẻ thâm trầm và từ tốn đáng yêu. Khi kể chuyện, Cầm hay cười, ánh nhìn rậm rãi nhưng sâu vào mắt người đối diện. Nghe lời khen hoặc bị trêu, Cầm hiền lành nhìn tránh xuống hai bàn tay đang đan lại. Lúc phấn khích, Cầm hơi ngửa cổ lên, đôi mắt một mí tít lại, miệng cười mở rộng hồn nhiên như đứa trẻ.
Những lúc câu chuyện tạm ngừng, Cầm thường vu vơ nhìn xung quanh, thanh thản, nhiều khi đơ đễnh. Cậu giống như một chàng lãng tử, phiêu diêu, không cố tình nhưng tự nhiên "lấy" rất dễ cảm tình của người cùng trò chuyện.
Dương Cầm 21 tuổi, nhà có bố, mẹ và em gái. Mẹ người Huế, bố người Quảng Ngãi, sinh ra và nuôi lớn tuổi thơ Dương Cầm ở Đắk Lắk cho đến năm 11 tuổi thì cho cậu ra Hà Nội học âm nhạc. Tên thật của cậu là Ngọc Cầm (cũng là một loại đàn), là tên bố mẹ chọn từ trước cho đứa con đầu lòng mà đinh ninh là... gái!
Sau đó, Cầm có thời gian sống 2 năm ở Nha Trang, 1 năm ở Quảng Trị, rồi lại quay lại gắn bó với Nhạc viện Hà Nội cho đến giờ. Đó là giai đoạn gia đình gặp biến cố về kinh tế khiến cậu phải bỏ dở việc học khoa Piano ở Nhạc viện khi đang là sinh viên năm thứ 3, và là điểm mốc để 3 năm sau quay lại: Chúng ta có một Dương Cầm học trung cấp sáng tác.
"Sẽ có âm nhạc của mỗi một vùng đất tôi đi qua" - "Thế còn Đắk Lắk?" - "Tôi viết rock cũng hay lắm đó"! Có một chút phấn khích vừa thể hiện qua cái miệng cười hết cỡ của tác giả mới được biết đến bởi da diết Mong anh về, bồi hồi với Biển và ánh trăng và mới đây nhất là những nốt nhạc trong ngần của Giấc mơ . Nhưng chàng trai trẻ (đôi khi bất ngờ tỏ ra chững chạc) thừa nhận rằng, dù bài hát của mình có viết bằng thể loại hay đề tài vui thế nào, nó cũng không bao giờ vui hoàn toàn: "Nó có con người của Dương Cầm trong ấy".
Cái mộc mạc trong tính cách và sâu lắng trong âm nhạc của Dương Cầm là bẩm sinh của chàng trai gốc miền Trung, tự nhận là mình rất may mắn vì có một gia đình gắn bó vì tình yêu âm nhạc. Còn những nốt phối rất "tây", rất hiện đại của âm nhạc Dương Cầm là đặc điểm của thế hệ cậu với sự say sưa khẳng định mình bằng thứ âm nhạc khai phá.
Thâm niên đánh đàn... đám cưới!
Ở Đắk Lắk, nhà Dương Cầm có 2 dàn nhạc chuyên phục vụ đám cưới, hội diễn, liên hoan. Riêng 3 thành viên trong nhà cũng lập đủ 1 ban nhạc, gần như luôn biểu diễn cùng nhau. Suốt hai năm "phụ trách" cây đàn organ, chân cậu nhạc công 10 tuổi này vẫn chưa đủ dài để từ ghế... chạm được xuống đất!
Đến lớp 6, Dương Cầm được bố mẹ quyết định cho xuống Hà Nội thi vào Nhạc viện. Hai bố con đi cả ngàn cây số, đến được trường rồi thì không biết... vào đâu cả nên "liều mạng" gõ cửa phòng Giám đốc Trần Thu Hà.
Bà giám đốc rất ngạc nhiên, vì lần đầu tiên có một thí sinh nhóc tỳ như vậy tận Đắk Lắk ra thi tuyển. Dương Cầm được kiểm tra năng khiếu ngay, đề phòng "nếu không được thì hai bố con đi về luôn cho đỡ tốn kém". Cầm kiểm tra xong, vị giám đốc Nhạc viện ngỡ ngàng ra quyết định đặc cách: "Cháu không cần thi cũng đỗ!".
Dương Cầm mỉm cười hồi tưởng lại kỷ niệm tuổi thơ ngộ nghĩnh: "Tôi trở thành thí sinh đặc biệt ra nhập học không có giấy báo. Đó là cuộc thi đầu tiên và vô tư nhất của tôi".
Bố Dương Cầm là một nhạc sỹ địa phương có tiếng ở Đắk Lắk. Ông là người kiệm lời, tâm lý, có ảnh hưởng nhất với con trai trong âm nhạc và là tri kỷ của cậu khi chia sẻ. "Bố luôn biết tôi nghĩ gì, dù tôi không nói ra. Bố nhận định âm nhạc của tôi, định hình và hướng dẫn tôi cách thức để đạt tới phong cách tôi muốn. Không bao giờ là rất tốt, tôi rất thích cảm giác mỗi lần bố nói: "Cũng được đấy!" về sáng tác của mình".
Năm 2002, cà phê trượt giá, gia đình phá sản, Dương Cầm bỏ dở năm học thứ 3 của mình theo bố mẹ chuyển vào Nha Trang, cả nhà lại tiếp tục dịch vụ "đánh đàn đám cưới". Được hơn 1 năm thì Cầm tạm biệt bố mẹ vào Quảng Trị sống với dì. Đó là thời gian Cầm đi đánh đàn đám cưới mà không có bố mẹ. Vừa đi đánh đàn cho đám cưới, cậu vừa cộng tác với các đoàn nghệ thuật trong tỉnh.
"Thời gian nghỉ học, tôi không nguôi nghĩ tới việc quay lại trường. Tôi sống khép kín, ít giao du với bạn bè mới, giữ liên lạc thường xuyên với các bạn ở trường và chỉ canh cánh trong lòng trở lại Hà Nội. Đó là thời gian tôi thấy mình thực sự già dặn".
Cuộc sống tạm ổn, cả nhà đoàn tụ trong Quảng Trị, Dương Cầm cùng bố ôn luyện miệt mài thi lại vào Trung cấp Sáng tác - đúng như con đường người bố đã dự liệu và Cầm đã lựa chọn. Dương Cầm nói từ khi ra Hà Nội, cậu đã cầm bút sáng tác vài ca khúc bố và bạn bè đều bảo "nghe được" nên muốn thử sức. Cầm bảo cũng tại cái chất nhạc nhẹ nó cứ như máu chảy sẵn trong người mình, kể cả khi theo học Piano trong trường.
Chàng nh